Thị trường cho thấy quá nhiều “bất ngờ” về số liệu báo cáo tài chính cho giới đầu tư. Từ những vụ tiền mặt tại quỹ hơn 460 tỷ của Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC), cho đến giá trị ngàn tỷ hàng tồn kho “biến mất” của Gỗ Trường Thành (TTF) với hàng loạt các thủ thuật gian lận kế toán phức tạp được giăng ra để có thể che mắt các chuyên gia mua bán sáp nhập của nhà đầu tư Tân Liên Phát (tập đoàn Vingroup) cho đến các nhà đầu tư trên thị trường. Bên cạnh các tình huống điển hình như trên, báo cáo tài chính trên thị trường cũng cho thấy rất nhiều thủ thuật gian lận đã được các công ty vận dụng với nhiều mục đích khác nhau.
Các doanh nghiệp niêm yết Việt “học hỏi” rất nhanh các “chiêu trò” biến tấu số liệu báo cáo tài chính trên thị trường quốc tế. Các thủ thuật gian lận được học từ các sự kiện gian lận nổi tiếng như Enron, Worldcom, Lehman Brothers, Toshiba, Olympus, các hãng công nghệ như Satyam hay các hãng bán lẻ như Tesco. Hiểu biết về các thủ thuật hay được áp dụng sẽ giúp các nhà đầu tư có thể tránh được những rủi ro “khổng lồ” như sự kiện TTF vừa qua.
Theo đánh giá, 10 thủ thuật gian lận báo cáo tài chính sau đây được coi là phổ biến nhất trên thị trường tài chính:
Công ty tạo ra “Cookie Jar” (Lọ kẹo ngọt) nhằm mục tiêu “để dành” lợi nhuận. “Cookie Jar” được tạo ra từ các khoản dự phòng, ghi nhận trước chi phí và trì hoãn ghi nhận doanh thu.
Công ty xoá bỏ những khoản mục “treo” trên bảng cân đối kế toán nhằm “gột rửa” báo cáo tài chính. Thường nghiệp vụ “Take a big bath” sẽ làm cho công ty lỗ lớn, nhưng có mục đích rất rõ ràng cho các kỳ tiếp theo.
Công ty “đánh cược vào tương lai” thông qua áp dụng các lỗ hổng trong quy định của chuẩn mực kế toán để ghi toàn bộ lợi nhuận có thể thu được trong tương lai vào năm hiện tại. Một số công ty trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã lợi dụng triệt để thủ thuật này.
Công ty loại bỏ những phần xấu nhất trên báo cáo tài chính thông qua các giao dịch tài chính với bên thứ ba. Đây là thủ thuật phổ biến nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Công ty sử dụng thủ thuật thay đổi chính sách kế toán nhằm đạt được mục tiêu lợi nhuận mong muốn. Chính sách kế toán được “lợi dụng” nhiều nhất là chính sách ghi nhận doanh thu. Rất nhiều công ty đã thay đổi chính sách ghi nhận doanh thu để đạt được lợi nhuận mong muốn.
Thủ thuật “Bán tái mua/tái thuê” là thủ thuật được Lehman Brothers áp dụng trước khi bị “lộ” và phải bảo hộ phá sản. Năm 2016, Eximbank cũng bị đưa ra công chúng là đã lợi dụng kỹ thuật này.
Công ty sử dụng các “đơn vị có mục đích đặc biệt – SPEs” nhằm tạo doanh thu ảo, giấu nợ. TTF là trường hợp điển hình nhất sử dụng thủ thuật này.
“Above the Line, Below the Line”
Thủ thuật phổ biến trên thế giới. Trên thị trường Việt Nam, cổ phiếu được giới đầu tư gọi là “con tàu ma” đã áp dụng thủ thuật này, nhằm đánh lạc hướng nhà đầu tư về lợi nhuận.
Một thủ thuật thông dụng, khi các công ty “chọn lọc” khéo léo hàng bán, chứng khoán đầu tư nhằm tăng lợi nhuận bán hàng. Các hãng bán lẻ như Tesco đã áp dụng thủ thuật này.
Hàng tồn kho tăng liên tục qua các năm là dấu hiệu thủ thuật “holding gain” đã được sử dụng để “cook” lợi nhuận. Vấn đề hàng tồn kho đang là vấn đề nóng nhất trên thị trường năm 2016 và có thể là năm tài chính tới.
Ngoài ra còn rất nhiều thủ thuật khác như Cross Trade (TTF), Shrink the Ship, Early Retirement of Debts,… đã và đang được lợi dụng trên thị trường.
Vậy làm thế nào để có thể phát hiện ra các công ty đang áp dụng những thủ thuật trên để “cook the book”, chế biến lợi nhuận và báo cáo tài chính theo mong muốn? đây là trăn trở của các nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng như không chuyên trên thị trường. Việc hiểu kỹ lưỡng cách vận hành các thủ thuật trên cũng giúp cho nhà đầu tư “thấu hiểu” báo cáo tài chính của doanh nghiệp từ đó ra các quyết định đầu tư đúng đắn.