Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ vừa có báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2016, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2017 gửi đến Quốc hội. Trong đó xác định 10 giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2017.
Toàn cảnh Quốc hội. Ảnh: VGP
Đảm bảo cân đối ngân sách những tháng đầu năm
Theo báo cáo của Chính phủ, qua công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2017 và kết quả thu, chi NSNN 4 tháng đầu năm 2017, hoạt động của nền kinh tế nói chung và NSNN nói riêng vẫn duy trì được sự tăng trưởng ổn định.
Về thu NSNN, thực hiện 4 tháng ước đạt 396,47 nghìn tỷ đồng, bằng 32,7% dự toán, tăng 17,8% so cùng kỳ năm 2016, trong đó: Thu nội địa đạt 325,9 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% dự toán, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016; không kể thu tiền sử dụng đất, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại và thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, thì thu nội địa 4 tháng đạt 33,4% dự toán, tăng 12,3% so cùng kỳ năm trước. Thu về dầu thô đạt 15,4 nghìn tỷ đồng, bằng 40,2% dự toán, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2016. Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu: Tổng số thu đạt 92 nghìn tỷ đồng, bằng 32,3% dự toán, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2016. Sau khi thực hiện hoàn thuế Giá trị gia tăng theo chế độ (37 nghìn tỷ đồng), thu cân đối NSNN 4 tháng đạt 55 nghìn tỷ đồng, bằng 30,6% dự toán, tăng 31,3% so cùng kỳ năm 2016.
Chi ngân sách 4 tháng ước đạt 393,38 nghìn tỷ đồng, bằng 28,3% dự toán, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 68,56 nghìn tỷ đồng, bằng 19,2% dự toán, tăng 20%; chi trả nợ lãi đạt 36,7 nghìn tỷ đồng, bằng 37,1% dự toán, tăng 10%; chi thường xuyên đạt 287,35 nghìn tỷ đồng, bằng 32,1% dự toán, tăng 7,4% so cùng kỳ năm 2016.
Chính phủ nhận định, các nhiệm vụ chi ngân sách được đảm bảo theo đúng dự toán và tiến độ triển khai thực hiện của các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Đến hết tháng 4/2017 đã thực hiện phát hành 81,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách và trả nợ gốc tiền vay của NSNN theo dự toán.
Kiên định chính sách tài khóa chặt chẽ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, báo cáo của Chính phủ cũng tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, tác động bất lợi đến việc thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2017.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiễn Dũng trình bày báo cáo tại Quốc hội
Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và NSNN năm 2017 đã được Quốc hội quyết định, đòi hỏi nỗ lực phấn đấu rất lớn của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương trong việc tập trung triển khai các giải pháp đã được Quốc hội, Chính phủ quyết định; đặc biệt là các giải pháp theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2017.
Trong lĩnh vực tài chính – NSNN, Chính phủ nhận định cần triển khai thực hiện tốt 9 nhóm với 26 giải pháp đã trình Quốc hội, điều hành dự toán NSNN năm 2017 tích cực, chủ động, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí ngân sách; quản lý chặt chẽ, đảm bảo an ninh tài chính và an toàn nợ công; tăng cường quản lý giá cả, thị trường; phát triển đồng bộ các thị trường tài chính, đơn vị sự nghiệp công… Trong đó, cần tập trung tổ chức thực hiện các nhóm giải pháp quan trọng chủ yếu sau:
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa công tác quản lý tài chính, nhất là trong các lĩnh vực quản lý thuế, hải quan, Kho bạc Nhà nước, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TW của Trung ương, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phấn đấu đạt được mục tiêu môi trường kinh doanh bằng mức trung bình ASEAN-4.
Thứ hai, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất – kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.
Thứ ba, tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2017; hạn chế tối đa việc đề xuất, ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách; quyết tâm thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định.
Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan để nắm chắc nguồn thu, chủ động đề ra các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt, liên tục, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 được giao trên địa bàn và tăng 14 – 16% so với số thực hiện thu năm 2016; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt dự toán và tăng 5 – 7% so với thực hiện thu năm 2016. Quyết liệt chống thất thu, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; Tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế…
Thứ tư, tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định; nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo.
Chính phủ xác định tiết kiệm triệt để các khoản chi NSNN. Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; giảm tối đa và công khai các khoản chi hội nghị, hội thảo; hạn chế mua sắm ô tô công và trang thiết bị đắt tiền; mở rộng thực hiện khoán xe ô tô công đảm bảo hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm…
Thứ năm, tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của chính quyền địa phương, bố trí nguồn trả nợ đầy đủ, đúng hạn.
Chủ động trong công tác quản lý nợ công, nợ Chính phủ và nợ chính quyền địa phương, đảm bảo an toàn nợ. Kiểm soát chặt chẽ các khoản vay, hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát NSNN; thực hiện đánh giá đầy đủ các tác động lên nợ công, nợ chính quyền địa phương và khả năng trả nợ trong trung hạn của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, trước khi thực hiện các khoản vay mới.
Thứ sáu, tăng cường và đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra thị trường.
Thứ bảy, đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công, giá dịch vụ công. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế hoạt động tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực gắn với thúc đẩy lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công đã đề ra.
Thứ tám, đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo lộ trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ chín, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thứ mười, ngoài các giải pháp nêu trên, Chính phủ trình Quốc hội cho phép xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành
NSNN năm 2016 và 2017 như: Cho phép bổ sung dự toán và quyết toán NSNN năm 2016 theo quy định đối với số vốn đầu tư từ nguồn xử lý sắp xếp lại nhà đất phát sinh từ các năm trước của Bộ Quốc phòng (470,9 tỷ đồng) và Bảo hiểm xã hội Việt Nam (1,9 tỷ đồng) đã ghi thu ghi chi NSNN năm 2016 theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Đối với các khoản vay ODA thuộc kế hoạch năm 2016 phải kéo dài giải ngân sang năm 2017 theo cam kết với Nhà tài trợ, kiến nghị cho phép tổng hợp vào dự toán chi đầu tư phát triển năm 2017; Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội theo quy định…