Đó là một trong những số liệu đánh giá về mức độ hài lòng của DN đối với những cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế được công bố trong Báo cáo “Đánh giá Cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2014” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính, Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục hành chính và Tổ chức Tài chính Quốc tế – Nhóm Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB-IFC) thực hiện
71% DN hài lòng với những cải cách TTHC về thuế
Báo cáo nghiên cứu này tổng hợp kết quả của cuộc khảo sát mức độ hài lòng của các doanh nghiệp đối với việc thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế năm 2014. Với hơn 2.500 doanh nghiệp tham gia từ đủ 63 tỉnh thành phố của Việt Nam, đây là cuộc khảo sát trên diện rộng đầu tiên trong lĩnh vực thuế, tuy nhiên mới giới hạn ở các doanh nghiệp đăng ký hoạt động chính thức – nhóm tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số người nộp thuế, nhưng lại là lực lượng chủ yếu đóng góp vào ngân sách nhà nước. Các đối tượng nộp thuế quan trọng khác như hộ kinh doanh, hợp tác xã, các cá nhân nộp thuế khác… không nằm trong diện điều tra này.
Báo cáo thể hiện các kết quả trên một số lĩnh vực sau:
Tiếp cận thông tin thuế: Việc tiếp cận văn bản pháp luật và chính sách thuế đối với doanh nghiệp mới chỉ ở mức độ nhất định. Cứ 2 doanh nghiệp điều tra thì có 1 doanh nghiệp cho biết có thể tiếp cận dễ dàng văn bản pháp luật, chính sách thuế. 58% doanh nghiệp cho rằng các thông tin về thủ tục hành chính thuế là đơn giản và dễ hiểu. Tuy nhiên vẫn còn tỷ lệ doanh nghiệp cho biết từng gặp vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin về chính sách, pháp luật thuế.
Công tác thanh, kiểm tra và giải quyết khiếu nại: Trung bình có 52% các doanh nghiệp tham gia khảo sát có tiếp đón thanh kiểm tra thuế trong năm 2014. 90% doanh nghiệp có đón tiếp đoàn thanh kiểm tra thuế đồng ý với nhận định rằng thời gian thanh kiểm tra đúng với thời gian trong quyết định thanh, kiểm tra đã ban hành. Khoảng 80% doanh nghiệp cho biết thái độ của cán bộ thuế đúng mực trong các lần làm việc tại doanh nghiệp.
Đặc biệt, đánh giá tác động của những thay đổi pháp luật thuế trong 5 năm qua đối với môi trường kinh doanh, 92% doanh nghiệp cho biết pháp luật thuế có sự chuyển biến tích cực. Thuế Giá trị gia tăng và Thuế Thu nhập doanh nghiệp là 2 sắc thuế mà tỷ lệ doanh nghiệp nhận định có sự thay đổi tích cực và giảm thời gian thực hiện cho doanh nghiệp nhiều nhất.
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm tiến hành xây dựng bộ chỉ số đánh giá hài lòng của doanh nghiệp với cải cách thủ tục hành chính thuế tại cấp địa phương với 5 lĩnh vực được đánh giá bao gồm: (1) Tiếp cận thông tin về pháp luật, TTHC thuế; (2) Thực hiện TTHC thuế; (3) Công tác thanh kiểm tra thuế; (4) Sự phục vụ của công chức thuế và (5) Kết quả giải quyết công việc. Chỉ số đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp đối với cải cách TTHC thuế tại tỉnh trung vị năm 2014 là trên 71% theo thang điểm 100.
Đánh giá về kết quả khảo sát, đại diện VCCI, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng “kết quả khảo sát cho thấy những cải cách mà ngành Thuế tiến hành trong thời gian qua là đúng hướng, đan được đẩy nhanh và bước đầu thu được những thành công.
Cùng chung quan điểm với VCCI, ông Jonathon Kirkby, chuyên gia Thuế cao cấp của IFC ghi nhận với những cải cách trong thời gian gân đây, hơn 500 ngàn DN đã được hưởng lợi, tiết kiệm được khoảng 1 triệu giờ nộp thuế, từ đó có nhiều điều kiện hơn về thời gian và chi phí tập trung cho phát triển “Kết quả khảo sát trong 4 lĩnh vực của hệ thống thuế là tích cực. Đặc biệt với câu hỏi khảo sát về chính sách pháp luật về thuế thay đổi như thế nào trong 2 năm vừa qua đã nhận được sự hài lòng của 92% DN được khảo sát. Điều này cho thấy quyết tâm chính trị và nỗ lực của ngành thuế trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Có thể thấy trong một thời gian ngắn, với quyết tâm mạnh mẽ Việt Nam có thể cải cách nhanh chóng. Đây là thành công và cũng là điển hình cần được nhân rộng trong các lĩnh vực khác”, chuyên gia WB cho biết.
Thay đổi chính sách, giảm thiểu sự tiếp xúc của cán bộ thuế và người nộp thuế
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, báo cáo cũng đã chỉ ra một số điểm DN cần cơ quan thuế tiếp tục cải cách để giảm thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho DN như việc thực hiện các TTHC hay thái độ phục vụ của công chức của ngành Thuế.
Trao đổi thêm thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết việc DN lớn bị thanh tra, kiểm tra nhiều? Dường như cơ quan thuế đang thanh kiểm tra theo mục tiêu của mình theo tư duy truyền thống. Từ đó mới cứ chọn các DN có khả năng thu được là DN lớn dịch vụ nhiều, giao dịch nhiều thì kéo theo sai sót lớn. Do vậy NQ 19 đưa ra yêu cầu đổi mới phải chuyển sang phương thức quản lý rủi ro, đánh giá cơ sở dữ liệu của 530.000 DN. Trên cơ sở đó xác định theo quy định của pháp luật loại nào rủi ro và chỉ được thanh tra 20% trên số lượng trên.
Đối với sự phục vụ của công chức thuế, Thứ trưởng cho rằng muốn phòng chống tham nhũng, đạo đức năng lực cán bộ thuế. Căn cơ nhất là thay đổi chính sách. Bởi chính sách càng phức tạp thì càng tạo ra cơ hội cán bộ vòi DN. Để làm được điều này, giảm tiếp xúc giữa cơ quan thuế và người nộp thuế thông qua phương thức nộp thuế điện tử. Bên cạnh đó thanh tra, kiểm tra phải khách quan, không chủ quan áp đặt lên DN.
Thứ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến quy trình giải quyết khiếu nại vướng mắc của NNT. Theo đó, cần thay đổi lại phương thức giải quyết vướng mắc theo hướng khi giữa DN và cơ quan thuế có vướng mắc về chính sách, cần có vai trò khách quan hơn. Cơ quan thuế có trách nhiệm tham vấn Hiêp hội DN và đơn vị có liên quan để giải quyết. Điểm này phải trở thành quy định trong luật.