Nội dung đang cập nhật ….
Bản tin pháp luật số 04/2014 – DTA VIỆT NAM
Nội dung đang cập nhật …
Bộ Tài chính hướng dẫn mua sắm tài sản từ nguồn NSNN
Ngày 28/2/2017, Bộ Tài chính có công văn gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác ở Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2017 và nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lực tài chính trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.
Công văn nêu rõ, thực hiện quy định tại tiết a điểm 2 mục I Phần thứ nhất Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1756/VPCP-KTTH ngày 27/02/2017; Bộ Tài chính hướng dẫn về việc mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2017 và việc nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lực tài chính trong việc quản lý, sử dụng tài sản công như sau:
Mua sắm tài sản từ nguồn NSNN
Đối với việc mua sắm xe ô tô, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, đơn vị áp dụng cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe ô tô hoặc thuê xe ô tô để phục vụ công tác. Việc mua sắm mới xe ô tô (bao gồm xe ô tô phục vụ chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung và xe ô tô chuyên dùng) của các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ được thực hiện khi đảm bảo đủ các điều kiện sau: Cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu xe ô tô so với tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật; Sau khi rà soát, sắp xếp trong số xe ô tô hiện có thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành và địa phương mà không có xe ô tô phù hợp để điều chuyển; Bộ, ngành và địa phương có xe ô tô dôi dư theo kết quả rà soát, sắp xếp xe ô tô theo Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 04/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ đã gửi báo cáo kết quả xử lý xe ô tô dôi dư về Bộ Tài chính theo quy định; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát, sắp xếp lại xe ô tô tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại điểm b mục 2 Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 02/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn kinh phí mua xe đã được bố trí trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 được giao và nguồn kinh phí được phép sử dụng theo quy định của pháp luật.
Tiêu chuẩn, mức giá mua xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện theo quy định tại Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 04/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.
Định mức, mức giá mua xe ô tô phục vụ công tác chung của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 04/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của Thủ tướng Chính phủ về định mức, mức giá mua xe ô tô phục vụ công tác quản lý của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, xe phục vụ công tác chung của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.
Định mức xe ô tô chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính; định mức xe ô tô chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành sau khi có ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp; giá mua xe ô tô chuyên dùng thực hiện theo quy định tại Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 04/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Định mức xe ô tô chuyên dùng của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành theo thẩm quyền sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Đối với các chương trình/dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn vay thương mại, theo Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững yêu cầu nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Do vậy, không sử dụng vốn vay nước ngoài trong khuôn khổ các chương trình/dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vốn vay thương mại để mua sắm xe ô tô.
Việc mua sắm xe ô tô từ nguồn vốn đối ứng (thuộc nguồn vốn chi đầu tư) của dự án sử dụng vốn vay nước ngoài phải theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định và trong phạm vi tổng mức đầu tư dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với Dự án viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, các cơ quan, đơn vị, ban quản lý dự án có nhu cầu trang bị phương tiện đi lại, xe ô tô cần xây dựng phương án trang bị xe ô tô, phương tiện đi lại, phương án sử dụng, đối tượng sử dụng, nguồn kinh phí và khả năng bố trí kinh phí vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, báo cáo cơ quan chủ quản để lấy ý kiến Bộ Tài chính trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, mua sắm, tiếp nhận chương trình/dự án/khoản viện trợ phi dự án.
Về phương thức mua sắm xe ô tô, tạm thời chưa thực hiện mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với xe ô tô trong năm 2017 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1756/VPCP-KTTH ngày 27/02/2017 của Văn phòng Chính phủ. Các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện mua sắm xe ô tô theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Mua sắm tài sản nhà nước khác
Thực hiện mua sắm theo tiêu chuẩn, định mức quy định, kế hoạch và dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành và địa phương chưa ban hành cần khẩn trương ban hành tiêu chuẩn định mức về máy móc, thiết bị chuyên dùng (chủng loại, số lượng) trang bị cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 19/2016/TT-BTC ngày 01/02/2016 của Bộ Tài chính và Công văn số 15318/BTC-QLCS ngày 28/10/2016 của Bộ Tài chính để có căn cứ thực hiện việc mua sắm máy móc, thiết bị chuyên dùng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công
Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 02/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công và hướng dẫn tại Công văn số 17731/BTC-QLCS ngày 14/12/2016 của Bộ Tài chính; trong đó tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Khẩn trương hoàn thành việc xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 04/2016/NĐ-CP ngày 06/01/2016 của Chính phủ và Thông tư số 23/2016/TT-BTC ngày 16/02/2016 của Bộ Tài chính; chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý rà soát, thực hiện thu toàn bộ các khoản thu được từ việc sử dụng tài sản công không đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và pháp luật có liên quan để nộp vào ngân sách nhà nước.
Tăng cường công tác quản lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 25/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc theo quy định, gửi lấy ý kiến của cơ quan tài chính về định mức diện tích trụ sở làm việc trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt thiết kế đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc.
Hoàn thành việc phê duyệt phương án sắp xếp lại nhà, đất, phương án di dời theo quy định của pháp luật; đẩy nhanh tiến độ thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; xử lý dứt điểm các vi phạm, tồn tại phát hiện qua sắp xếp; xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm. Chỉ đạo việc quản lý, sử dụng tiền thu được từ sắp xếp nhà, đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật.
Khẩn trương hoàn thành việc công bố danh mục mua sắm tập trung và tổ chức triển khai thực hiện việc mua sắm tập trung theo quy định tại Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg ngày 26/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Hồ sơ thanh toán đối với mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung của các Bộ, ngành, địa phương: Thực hiện theo quy định chung về mua sắm tài sản từ ngân sách nhà nước, đồng thời phải có thỏa thuận khung và hợp đồng mua sắm tài sản đã ký với nhà thầu (trong trường hợp mua theo phương thức ký thỏa thuận khung) hoặc hợp đồng mua sắm tài sản đã ký với nhà thầu cung cấp tài sản (trong trường hợp mua sắm theo phương thức ký hợp đồng trực tiếp).
Thường xuyên thực hiện rà soát đối với các tài sản nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản được xác lập sở hữu nhà nước, tài sản dự án khi dự án kết thúc để xử lý kịp thời, bảo đảm công khai, minh bạch; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời nghĩa vụ tài chính đất đai, tài nguyên của tổ chức, cá nhân khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp quyền khai thác tài nguyên, tránh thất thoát.
Tăng cường áp dụng phương thức đấu giá trong giao đất, cho thuê đất, cấp quyền khai thác tài nguyên, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, xử lý tài sản tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản dự án, tài sản xác lập sở hữu nhà nước và các tài sản khác có quyết định bán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản bán đấu giá hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ bán tài sản chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật./.
Cần giám sát thanh lý ô tô tại các đơn vị khoán thí điểm
Việc thanh lý xe cần phải được thực hiện minh bạch vì nếu để xảy ra thất thoát, mục đích giảm chi phí khoán xe công sẽ chẳng còn tác dụng.
3 xe ô tô công tại 8 Sở và Quận huyện thực hiện thí điểm khoán kinh phí sử dụng ô tô sẽ bị thành phố Hà Nội thu hồi. Theo phương án, những xe chưa hết thời gian khấu hao sẽ được điều chuyển về các đơn vị thiếu phương tiện, còn những xe đã hết khấu hao sẽ được bán thanh lý.
Theo thống kê, hiện có tới 12 xe ô tô hết khấu hao sẽ được giao cho các quận huyện thực hiện thí điểm thanh lý. Đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, những xe này đang được sử dụng chở lãnh đạo các quận huyện. Tuy nhiên, do hết thời gian khấu hao 15 năm nên phải thanh lý thông qua bán đấu giá .
Một số chuyên gia cho rằng, cần có sự minh bạch trong quá trình thẩm định giá vì nếu chất lượng xe còn lại trên 30% phải thanh lý theo dạng xe đã qua sử dụng; dưới 30% mới bán với giá sắt vụn.
Các chuyên gia tính toán, trong 6 tháng thí điểm, Hà Nội chỉ tiết kiệm được vài tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu quá trình thanh lý xe không chặt chẽ, số thất thoát cho ngân sách thành phố còn có thể gấp nhiều lần.
10 “thủ thuật” gian lận báo cáo tài chính – “Dấu hiệu” và cách phát hiện!
Thị trường cho thấy quá nhiều “bất ngờ” về số liệu báo cáo tài chính cho giới đầu tư. Từ những vụ tiền mặt tại quỹ hơn 460 tỷ của Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC), cho đến giá trị ngàn tỷ hàng tồn kho “biến mất” của Gỗ Trường Thành (TTF) với hàng loạt các thủ thuật gian lận kế toán phức tạp được giăng ra để có thể che mắt các chuyên gia mua bán sáp nhập của nhà đầu tư Tân Liên Phát (tập đoàn Vingroup) cho đến các nhà đầu tư trên thị trường. Bên cạnh các tình huống điển hình như trên, báo cáo tài chính trên thị trường cũng cho thấy rất nhiều thủ thuật gian lận đã được các công ty vận dụng với nhiều mục đích khác nhau.
Các doanh nghiệp niêm yết Việt “học hỏi” rất nhanh các “chiêu trò” biến tấu số liệu báo cáo tài chính trên thị trường quốc tế. Các thủ thuật gian lận được học từ các sự kiện gian lận nổi tiếng như Enron, Worldcom, Lehman Brothers, Toshiba, Olympus, các hãng công nghệ như Satyam hay các hãng bán lẻ như Tesco. Hiểu biết về các thủ thuật hay được áp dụng sẽ giúp các nhà đầu tư có thể tránh được những rủi ro “khổng lồ” như sự kiện TTF vừa qua.
Theo đánh giá, 10 thủ thuật gian lận báo cáo tài chính sau đây được coi là phổ biến nhất trên thị trường tài chính:
Công ty tạo ra “Cookie Jar” (Lọ kẹo ngọt) nhằm mục tiêu “để dành” lợi nhuận. “Cookie Jar” được tạo ra từ các khoản dự phòng, ghi nhận trước chi phí và trì hoãn ghi nhận doanh thu.
Công ty xoá bỏ những khoản mục “treo” trên bảng cân đối kế toán nhằm “gột rửa” báo cáo tài chính. Thường nghiệp vụ “Take a big bath” sẽ làm cho công ty lỗ lớn, nhưng có mục đích rất rõ ràng cho các kỳ tiếp theo.
Công ty “đánh cược vào tương lai” thông qua áp dụng các lỗ hổng trong quy định của chuẩn mực kế toán để ghi toàn bộ lợi nhuận có thể thu được trong tương lai vào năm hiện tại. Một số công ty trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã lợi dụng triệt để thủ thuật này.
Công ty loại bỏ những phần xấu nhất trên báo cáo tài chính thông qua các giao dịch tài chính với bên thứ ba. Đây là thủ thuật phổ biến nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Công ty sử dụng thủ thuật thay đổi chính sách kế toán nhằm đạt được mục tiêu lợi nhuận mong muốn. Chính sách kế toán được “lợi dụng” nhiều nhất là chính sách ghi nhận doanh thu. Rất nhiều công ty đã thay đổi chính sách ghi nhận doanh thu để đạt được lợi nhuận mong muốn.
Thủ thuật “Bán tái mua/tái thuê” là thủ thuật được Lehman Brothers áp dụng trước khi bị “lộ” và phải bảo hộ phá sản. Năm 2016, Eximbank cũng bị đưa ra công chúng là đã lợi dụng kỹ thuật này.
Công ty sử dụng các “đơn vị có mục đích đặc biệt – SPEs” nhằm tạo doanh thu ảo, giấu nợ. TTF là trường hợp điển hình nhất sử dụng thủ thuật này.
“Above the Line, Below the Line”
Thủ thuật phổ biến trên thế giới. Trên thị trường Việt Nam, cổ phiếu được giới đầu tư gọi là “con tàu ma” đã áp dụng thủ thuật này, nhằm đánh lạc hướng nhà đầu tư về lợi nhuận.
Một thủ thuật thông dụng, khi các công ty “chọn lọc” khéo léo hàng bán, chứng khoán đầu tư nhằm tăng lợi nhuận bán hàng. Các hãng bán lẻ như Tesco đã áp dụng thủ thuật này.
Hàng tồn kho tăng liên tục qua các năm là dấu hiệu thủ thuật “holding gain” đã được sử dụng để “cook” lợi nhuận. Vấn đề hàng tồn kho đang là vấn đề nóng nhất trên thị trường năm 2016 và có thể là năm tài chính tới.
Ngoài ra còn rất nhiều thủ thuật khác như Cross Trade (TTF), Shrink the Ship, Early Retirement of Debts,… đã và đang được lợi dụng trên thị trường.
Vậy làm thế nào để có thể phát hiện ra các công ty đang áp dụng những thủ thuật trên để “cook the book”, chế biến lợi nhuận và báo cáo tài chính theo mong muốn? đây là trăn trở của các nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng như không chuyên trên thị trường. Việc hiểu kỹ lưỡng cách vận hành các thủ thuật trên cũng giúp cho nhà đầu tư “thấu hiểu” báo cáo tài chính của doanh nghiệp từ đó ra các quyết định đầu tư đúng đắn.
Tiếp tục điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước
Tiếp tục điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước
Ngày 29/12/2015, tại Hà Nội, Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị “Tổng kết chương trình công tác năm 2015 và triển khai thực hiện chương trình công tác năm 2016”. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu đã tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Đánh giá về công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ năm 2016, Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thúy Nga cho biết, năm 2016 mặc dù còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng Cục Quản lý giá đã nỗ lực phấn đấu, chủ động bám sát chủ trương điều hành kinh tế của Chính phủ, kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, trong đó trọng tâm là những định hướng điều hành giá để thực hiện mục tiêu Quốc hội đề ra góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
Cụ thể, trong năm 2016, Cục Quản lý giá đã chủ động tham mưu đề xuất các giải pháp nhằm bình ổn giá cả thị trường, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Tiếp tục điều hành giá các mặt hàng quan trọng, thiết yếu như: xăng dầu, điện, than, nước sạch, thuốc chữa bệnh, dịch vụ y tế, giáo dục, lúa gạo, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, xi măng, thép, gas… theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước được quy định tại Luật giá và các Luật liên quan. Đồng thời đã tăng cường công tác công khai, minh bạch trong điều hành giá các mặt hàng này, nhờ đó đã tạo được sự đồng thuận, giám sát từ phía xã hội.
Bên cạnh đó, Cục cũng đã triển khai xây dựng và hoàn thành 100% đề án xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giá. Đặc biệt, chú trọng cơ chế quản lý giá đối với các dịch vụ chuyển đổi từ danh mục phí sang giá theo quy định tại Luật phí, lệ phí năm 2015. Theo đó, Cục đã trình Bộ Tài chính, Chính phủ ban hành Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 trong đó có quy định về thẩm quyền và hình thức định giá đối với các dịch vụ chuyển từ phí sang giá quy định tại phụ lục số 2 Luật phí và Lệ phí; trình Bộ ban hành Thông tư số 233/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 trong đó có bổ sung, sửa đổi nội dung quy định cơ chế quản lý đối với các dịch vụ chuyển từ phí sang thực hiện cơ chế giá. Đồng thời, chủ động xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành 12 Thông tư quy định giá đối với 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ chuyển từ phí sang thực hiện theo cơ chế giá thuộc quyền định giá của Bộ Tài chính theo quy định của Nghị định số 149/2016/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1/1/2017.
Cũng trong năm 2016, Cục Quản lý giá đã xây dựng kho dữ liệu nội bộ về giá phục vụ công tác quản lý nhà nước của Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Cục cũng như bước đầu góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về giá theo quy định về Luật Giá. Hiện nay, Trung tâm Dữ liệu quốc gia và dịch vụ về giá thuộc Cục vẫn đang tiến hành sàng lọc, nhập liệu vào kho dữ liệu tạm thời; đưa vào vận hành trang tin điện tử
http://trungtamquocgiagia.vn/ là đầu mối để các Sở Tài chính, các đơn vị, tổ chức liên hệ thực hiện việc kết nối dữ liệu với Trung tâm Dữ liệu quốc gia và dịch vụ về giá.
Công tác quản lý nhà nước về thẩm định giá cũng được tăng cường, cụ thể, năm 2016, Cục đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá cho 44 doanh nghiệp thẩm định giá và cấp lại Giấy cho 55 doanh nghiệp thẩm định giá; Ban hành 20 thông báo công bố, điều chỉnh danh sách thẩm định viên về giá đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá tài sản năm 2016 cho hơn 1.000 thẩm định viên về giá đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá.
Công tác thông tin tuyên truyền về các chính sách quản lý, điều hành giá cũng được chú trọng nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Ngoài ra, Cục Quản lý giá đã phối hợp tốt hơn với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.
Cục trưởng Cuc Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị
Năm 2017, Cục Quản lý giá sẽ tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, trong đó chú trọng hoàn thiện cơ chế quản lý và mức giá đối với các dịch vụ chuyển từ danh mục phí sang quản lý theo cơ chế giá theo quy định tại Luật phí, lệ phí năm 2015, Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 và pháp luật liên quan; Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ thường trực giúp việc Ban chỉ đạo điều hành giá để Ban Chỉ đạo điều hành giá nghiên cứu, giúp Thủ tướng Chính phủ quyết định các chủ trương, định hướng quản lý, điều hành giá, biện pháp điều hành giá, bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trong năm 2017; Về quản lý, điều hành một số mặt hàng như xăng dầu, giá điện, giá lúa gạo. Về giá xăng dầu, tiếp tục Phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu trong nước theo cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các văn bản có liên quan. Thực hiện nghiêm túc quy định về công khai, minh bạch trong điều hành giá tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu chúc mừng và biểu dương những kết quả công tác đã đạt được của cục Quản lý giá năm 2016, như: Cục đã chủ động xây dựng trình Lãnh đạo Bộ, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 177, cùng với đó là trình Bộ ban hành 12 Thông tư quy định giá đối với các nhóm dịch vụ chuyển từ phí sang thực hiện theo cơ chế giá thuộc thẩm quyền định giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính; Công tác tham mưu, dự báo cũng được cục chủ động triển khai thực hiện tốt, góp phần tích cực trong việc điều hành giá của Chính phủ; Về công tác thông tin tuyên truyền Cục đã chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí về công tác quản lý, điều hành giá. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ được giao trong năm 2017, Cục Quản lý giá cần theo sát diễn biến thị trường giá cả, chủ động hơn nữa trong công tác dự báo và điều hành giá. Công tác quản lý giá cần tiếp tục kiên định theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với các mặt hàng như điện, than, xăng dầu, giá dịch vụ công…. Đặc biệt, cần nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm định giá; hoàn thiện các tiêu chuẩn thẩm định giá với các văn bản, chế tài liên quan. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Quản lý giá cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để có thể tạo được sự đồng thuận cao của xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 sắp tới.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu cũng đã trao tặng bằng khen và các danh hiệu thi đua của Bộ Trưởng Bộ Tài chính cho các tập thể và cá nhân đã đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ năm 2015.
Thứ trưởng Trần Văn Hiếu trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính cho tập thể lãnh đạo Cục QLG
Kết luận Hội nghị, Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn thay mặt toàn thể cán bộ, công chức Cục Quản lý giá tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu và bày tỏ, Cục Quả lý giá sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong năm 2017.
Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn trao tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cho các đơn vị thuộc Cục
Cùng ngày, Cục Quản lý giá cũng đã tiến hành Đại hội cán bộ công chức năm 2016 và ký kết giao ước thi đua giữa các đơn vị thuộc Cục
Các đơn vị thuộc Cục Quản lý giá ký giao ước thi đua năm 2017
Nguồn :mof.gov.vn
Cần minh bạch, công khai định giá doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa
Theo các chuyên gia, việc thiếu công khai minh bạch thông tin theo thông lệ quốc tế hạn chế sự tham gia của chính các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Ngày 15/12, Bộ Tài chính phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai một số chính sách mới về gắn việc bán cổ phần lần đầu của DNNN cổ phần hóa với giao dịch trên thị trường UPCoM tại HNX, được kỳ vọng là sẽ hạn chế một vấn đề mà nhiều nhà đầu tư lo ngại thời gian qua.
Đó là khâu định giá doanh nghiệp, trong nhiều trường hợp hiện vẫn còn chậm và yếu, chưa đảm bảo minh bạch, công khai.
Trong một hội nghị mới đây, đại diện Bộ Tài chính nêu ra ví dụ một doanh nghiệp ban đầu định giá 1.0, nhưng đấu giá lên tới 4.0, rồi thậm chí là 10.0.
Theo các chuyên gia, việc thiếu công khai minh bạch thông tin theo thông lệ quốc tế, không chỉ đặt ra nghi vấn về lợi ích nhóm, mà còn hạn chế sự tham gia của chính các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam do tâm lý e ngại.
Một nguyên nhân quan trọng cũng được các chuyên gia nhấn mạnh, đó là chưa có cơ chế quy trách nhiệm đối với người đứng đầu khi chưa đảm bảo minh bạch thông tin, để xảy ra việc chậm trễ kéo dài trong cổ phần hóa, và niêm yết doanh nghiệp cổ phần hóa thời gian qua.
Sẽ có nhiều quy định mới được đề cập trong hội nghị này, bao gồm cả quy định về xử phạt hành vi đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán không đúng thời hạn quy định.
Thực hiện điều hành giá thận trọng, chặt chẽ và quyết liệt
Ngày 31/10/2016, Phó trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá-Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã ký văn bản 639 /TB-BCĐĐHG thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 19 tháng 10 năm 2016
Theo đó, ngày 19 tháng 10 năm 2016, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá để đánh giá về kết quả kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nói chung và điều hành giá một số mặt hàng cụ thể trong 9 tháng đầu năm và định hướng điều hành giá những tháng cuối năm 2016 đối với một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ biểu dương Bộ Tài chính (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá) đã có báo cáo toàn diện về công tác quản lý, điều hành giá trong 9 tháng đầu năm 2016, biểu dương Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã có sự phối hợp chặt chẽ, chủ động, thực hiện tích cực, thận trọng, đúng chủ trương và kịch bản điều hành lạm phát dưới 5% theo mục tiêu Quốc hội giao.
Phó Thủ tướng chỉ đạo công tác điều hành giá trong những tháng cuối năm cần tiếp tục được thực hiện một cách thận trọng, chặt chẽ, quyết liệt để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và các địa phương cần tập trung triển khai tốt các nhiệm vụ sau đây:
Thứ nhất, về chính sách tiền tệ:
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành, giữ ổn định lạm phát cơ bản trong khoảng 1,81% đến dưới 2%; sử dụng đồng bộ, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ. Tiếp tục chỉ đạo để ổn định và có điều kiện giảm lãi suất cho vay; Điều hành tín dụng nhịp nhàng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất cần thiết. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa.
Thứ hai, về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu:
Bộ Công Thương: Giữ ổn định giá bán lẻ điện trong những tháng còn lại của năm 2016; phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp để không tạo lạm phát kỳ vọng; bảo đảm cân đối cung cầu thị trường các mặt hàng khác thuộc chức năng quản lý trong đó có vấn đề về điều hành linh hoạt hạn ngạch nhập khẩu, nhất là đối với mặt hàng đường góp phần bình ổn thị trường, đặc biệt trong dịp lễ, Tết.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tích cực hướng dẫn các nhà đầu tư trong tháng 10 năm 2016 giảm phí BOT ít nhất ở 10 trạm thu phí để tạo ra tâm lý tốt hơn trong kiểm soát lạm phát.
Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi để có giải pháp điều hành phù hợp. Tiếp tục thực hiện các biện pháp bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đến hết 31 tháng 12 năm 2016 theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 30 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ và tính toán kịch bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giải pháp điều hành sau khi hết thời hạn bình ổn giá.
Các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ liên quan đến sản xuất chỉ đạo các cơ quan của Bộ và phối hợp với các địa phương chủ động chuẩn bị nguồn hàng cho thị trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ưu tiên các sản phẩm sạch, không để xảy ra thiếu hàng gây sốt giá, có kịch bản đối phó với điều kiện thời tiết khó khăn, triển khai chương trình bình ổn thị trường phù hợp với thực tế địa phương cho các dịp tiêu dùng cao điểm như Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích cực tổ chức triển khai việc đấu thầu giá thuốc để kéo giá thuốc giảm xuống. Tới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ có cuộc họp với các Bộ để đẩy mạnh triển khai thực hiện vấn đề này.
Năm 2016 không điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế (gồm cả tiền lương và phụ cấp) đối với nhóm không thuộc quỹ bảo hiểm y tế chi trả; Bộ Y tế hướng dẫn Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chuẩn bị kỹ kịch bản, tính toán lộ trình và mức tăng trong năm 2017.
Đối với giá dịch vụ y tế do quỹ bảo hiểm y tế chi trả, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thống kê và các cơ quan liên quan xem xét, tính toán kỹ việc điều chỉnh giá có tính tiền lương và phụ cấp đối với các địa phương còn lại với liều lượng và thời điểm thích hợp bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, đề xuất phương án báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và Thủ tướng Chính phủ trước khi điều chỉnh.
Thứ ba, về cơ chế quản lý đối với các loại phí được chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá từ ngày 01 tháng 01 năm 2017:
Đối với các loại phí được chuyển sang thực hiện cơ chế giá thị trường mà Nhà nước không định giá: Giá các dịch vụ sẽ được tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý phù hợp với thị trường.
Đối với các loại phí được chuyển sang giá do Nhà nước định giá: Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tập trung xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 theo phân cấp của Chính phủ.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo điều hành giá báo cáo tổng kết đánh giá công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát trong năm 2016, dự báo lạm phát và đề xuất kịch bản điều hành giá trong năm 2017 đối với các mặt hàng thiết yếu thuộc thẩm quyền quản lý gửi Bộ Tài chính theo đường công văn và thư điện tử: dieuhanhgia@mof.gov.vn trước ngày 20 tháng 11 năm 2016 để xây dựng báo cáo tổng hợp chung phục vụ cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá Quý IV vào tháng 12 năm 2016.