92% DN hài lòng với những thay đổi của chính sách, pháp luật về thuế

Đó là một trong những số liệu đánh giá về mức độ hài lòng của DN đối với những cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế được công bố trong Báo cáo “Đánh giá Cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2014” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính, Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục hành chính và Tổ chức Tài chính Quốc tế – Nhóm Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB-IFC) thực hiện

71% DN hài lòng với những cải cách TTHC về thuế

Báo cáo nghiên cứu này tổng hợp kết quả của cuộc khảo sát mức độ hài lòng của các doanh nghiệp đối với việc thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế năm 2014. Với hơn 2.500 doanh nghiệp tham gia từ đủ 63 tỉnh thành phố của Việt Nam, đây là cuộc khảo sát trên diện rộng đầu tiên trong lĩnh vực thuế, tuy nhiên mới giới hạn ở các doanh nghiệp đăng ký hoạt động chính thức – nhóm tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số người nộp thuế, nhưng lại là lực lượng chủ yếu đóng góp vào ngân sách nhà nước. Các đối tượng nộp thuế quan trọng khác như hộ kinh doanh, hợp tác xã, các cá nhân nộp thuế khác… không nằm trong diện điều tra này.

Báo cáo thể hiện các kết quả trên một số lĩnh vực sau:

Tiếp cận thông tin thuế: Việc tiếp cận văn bản pháp luật và chính sách thuế đối với doanh nghiệp mới chỉ ở mức độ nhất định. Cứ 2 doanh nghiệp điều tra thì có 1 doanh nghiệp cho biết có thể tiếp cận dễ dàng văn bản pháp luật, chính sách thuế. 58% doanh nghiệp cho rằng các thông tin về thủ tục hành chính thuế là đơn giản và dễ hiểu. Tuy nhiên vẫn còn tỷ lệ doanh nghiệp cho biết từng gặp vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin về chính sách, pháp luật thuế.

Công tác thanh, kiểm tra và giải quyết khiếu nại: Trung bình có 52% các doanh nghiệp tham gia khảo sát có tiếp đón thanh kiểm tra thuế trong năm 2014. 90% doanh nghiệp có đón tiếp đoàn thanh kiểm tra thuế đồng ý với nhận định rằng thời gian thanh kiểm tra đúng với thời gian trong quyết định thanh, kiểm tra đã ban hành. Khoảng 80% doanh nghiệp cho biết thái độ của cán bộ thuế đúng mực trong các lần làm việc tại doanh nghiệp.

Đặc biệt, đánh giá tác động của những thay đổi pháp luật thuế trong 5 năm qua đối với môi trường kinh doanh, 92% doanh nghiệp cho biết pháp luật thuế có sự chuyển biến tích cực. Thuế Giá trị gia tăng và Thuế Thu nhập doanh nghiệp là 2 sắc thuế mà tỷ lệ doanh nghiệp nhận định có sự thay đổi tích cực và giảm thời gian thực hiện cho doanh nghiệp nhiều nhất.

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm tiến hành xây dựng bộ chỉ số đánh giá hài lòng của doanh nghiệp với cải cách thủ tục hành chính thuế tại cấp địa phương với 5 lĩnh vực được đánh giá bao gồm: (1) Tiếp cận thông tin về pháp luật, TTHC thuế; (2) Thực hiện TTHC thuế; (3) Công tác thanh kiểm tra thuế; (4) Sự phục vụ của công chức thuế và (5) Kết quả giải quyết công việc. Chỉ số đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp đối với cải cách TTHC thuế tại tỉnh trung vị năm 2014 là trên 71% theo thang điểm 100.

Đánh giá về kết quả khảo sát, đại diện VCCI, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng “kết quả khảo sát cho thấy những cải cách mà ngành Thuế tiến hành trong thời gian qua là đúng hướng, đan được đẩy nhanh và bước đầu thu được những thành công.

Cùng chung quan điểm với VCCI, ông Jonathon Kirkby, chuyên gia Thuế cao cấp của IFC ghi nhận với những cải cách trong thời gian gân đây, hơn 500 ngàn DN đã được hưởng lợi, tiết kiệm được khoảng 1 triệu giờ nộp thuế, từ đó có nhiều điều kiện hơn về thời gian và chi phí tập trung cho phát triển “Kết quả khảo sát trong 4 lĩnh vực của hệ thống thuế là tích cực. Đặc biệt với câu hỏi khảo sát về chính sách pháp luật về thuế thay đổi như thế nào trong 2 năm vừa qua đã nhận được sự hài lòng của 92% DN được khảo sát. Điều này cho thấy quyết tâm chính trị và nỗ lực của ngành thuế trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Có thể thấy trong một thời gian ngắn, với quyết tâm mạnh mẽ Việt Nam có thể cải cách nhanh chóng. Đây là thành công và cũng là điển hình cần được nhân rộng trong các lĩnh vực khác”, chuyên gia WB cho biết.

Thay đổi chính sách, giảm thiểu sự tiếp xúc của cán bộ thuế và người nộp thuế

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, báo cáo cũng đã chỉ ra một số điểm DN cần cơ quan thuế tiếp tục cải cách để giảm thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho DN như việc thực hiện các TTHC hay thái độ phục vụ của công chức của ngành Thuế.

Trao đổi thêm thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết việc DN lớn bị thanh tra, kiểm tra nhiều? Dường như cơ quan thuế đang thanh kiểm tra theo mục tiêu của mình theo tư duy truyền thống. Từ đó mới cứ chọn các DN có khả năng thu được là DN lớn dịch vụ nhiều, giao dịch nhiều thì kéo theo sai sót lớn. Do vậy NQ 19 đưa ra yêu cầu đổi mới phải chuyển sang phương thức quản lý rủi ro, đánh giá cơ sở dữ liệu của 530.000 DN. Trên cơ sở đó xác định theo quy định của pháp luật loại nào rủi ro và chỉ được thanh tra 20% trên số lượng trên.

Đối với sự phục vụ của công chức thuế, Thứ trưởng cho rằng muốn phòng chống tham nhũng, đạo đức năng lực cán bộ thuế. Căn cơ nhất là thay đổi chính sách. Bởi chính sách càng phức tạp thì càng tạo ra cơ hội cán bộ vòi DN. Để làm được điều này, giảm tiếp xúc giữa cơ quan thuế và người nộp thuế thông qua phương thức nộp thuế điện tử. Bên cạnh đó thanh tra, kiểm tra phải khách quan, không chủ quan áp đặt lên DN.

Thứ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến quy trình giải quyết khiếu nại vướng mắc của NNT. Theo đó, cần thay đổi lại phương thức giải quyết vướng mắc theo hướng khi giữa DN và cơ quan thuế có vướng mắc về chính sách, cần có vai trò khách quan hơn. Cơ quan thuế có trách nhiệm tham vấn Hiêp hội DN và đơn vị có liên quan để giải quyết. Điểm này phải trở thành quy định trong luật.

Bộ Tài chính: Năm 2014 Việt Nam dành 141,5 nghìn tỷ đồng để trả nợ

Theo bà Victoria Kwakwa – Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Tài chính Việt Nam nâng cao hiệu quả quản lý nợ công nhằm bảo đảm an toàn nợ và an ninh tài chính quốc gia.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo đánh giá Luật Quản lý nợ công sau 5 năm triển khai thực hiện do Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài Chính) đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, việc đánh giá Luật Quản lý nợ công sau 5 năm triển khai thực hiện là rất quan trọng đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới.

Còn ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, Luật Quản lý nợ công đã tạo ra môi trường pháp lý đồng bộ về quản lý nợ công; từng bước công khai, minh bạch hoạt động vay, trả nợ công; tạo môi trường pháp lý quan trọng cho việc huy động nguồn vốn phục vụ đầu tư phát triển kinh tế – xã hội.

Bên cạnh đó, phân bổ, sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả. Kết quả là, giai đoạn 2010 – 2015, tổng vốn vay Chính phủ đưa vào cân đối NSNN cho đầu tư phát triển đạt trên 1.400 nghìn tỷ đồng, trung bình đạt 7% GDP, tăng 14%/năm.

Đặc biệt, thực hiện trả nợ đúng nghĩa vụ nợ đến hạn hàng năm, góp phần tăng cường hệ số tín nhiệm quốc gia. Ước năm 2014 trả nợ Chính phủ là 141.520 tỷ đồng; trả nợ trực tiếp của Chính phủ/Tổng thu NSNN là 13.8%

Quan trọng là, chỉ tiêu về nợ công nằm trong giới hạn quy định. Cụ thể, nợ công cuối năm 2014 ở mức 2.347 nghìn tỷ đồng, bằng 59,6% GDP năm 2014 và dự kiến cuối năm 2015 khoảng 62.3% GDP. Mức nợ công này vẫn nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép không quá 65% GDP.

Ngoài ra, Luật Quản lý nợ công thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu trong nước. Theo đó, quy mô của thị trường trái phiếu tăng từ mức 2,8% GDP năm 2001 lên mức 19% GDP năm 2011 và 21,2% GDP năm 2014. Riêng thị trường trái phiếu Chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh chiếm khoảng 19% GDP năm 2014.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Long cũng chỉ ra một số vấn đề đang và sẽ đặt ra: phạm vi nợ công chưa hài hòa với thông lệ quốc tế; chồng chéo giữa các khoản nợ; về phạm vi nợ công; mục tiêu, trần nợ công; nghiệp vụ quản lý nợ chủ động; quan hệ giữa quản lý nợ công và chính sách tài khóa…

Do đó, để giải quyết các vấn đề này, ông Long cho rằng, cần hoàn thiện chính sách quản lý nợ công nhằm tăng cường huy động vốn cho cân đối NSNN và đàu tư phát triển kinh tế – xã hội; Làm rõ hơn quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan lập pháp, hành pháp và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, DN và đơn vị sử dụng nợ công; Giảm thiểu tối đa các nội dung cần hướng dẫn để thực hiện sau khi ban hành luật mới.

World bank sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam nâng cao hiệu quả quản lý nợ công

Theo bà Victoria Kwakwa – Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, sau 5 năm triển khai thực hiện Luật Quản lý nợ công ở Việt Nam cần phải tham khảo, vận dụng tốt kinh nghiệm quốc tế từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng cường chính sách tài khóa bảo đảm quản lý nợ công hiệu quả. “Ngân hàng Thế gới sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Tài Chính Việt NAm nâng coa hiệu quả quản lý nợ công nhằm bảo đảm an toàn nợ và an ninh tài chính quốc gia”- Bà Kwakwa nói.

Còn theo ông Thomas Magunusson – Chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Thế giới, khi Việt Nam đang hướng tới môi trường theo cơ chế thị trường thì việc phải vay nợ nhiều hơn theo các điều khoản thương mại mở ra nhiều phương án vay nợ và nhiều công cụ tài chính.

Trong môi trường như thế, điều kiện chính là phải có chiến lược được lập trên cơ sở các phương án đánh đổi chi phí/rủi ro hợp lý nhằm định hướng cho các quyết định vay nợ và các giao dịch thị trường khác. Hay thiếu chiến lược chính thức có thể dễ dàng dẫn tới những lựa chọn không tốt và làm tăng rủi ro. Vì vậy, Việt Nam cần hướng tới quy trình quản trị tốt nhằm định hướng cho việc vay nợ của Chính phủ.

Theo đó, cần có tầm nhìn dài hạn, xác định các mục tiêu quản lý nợ rõ ràng; có tính chiến lược trung hạn; có tính chiến thuật ngắn hạn; có phương thức triển khai quản lý nợ chủ động thực hiện các giao dịch thị trường khác trong phạm vi các tham số đó.

Có vấn đề gì trong Báo cáo tài chính bán niên?

Đây là câu hỏi mà giới đầu tư trên thị trường tài chính sẽ phải tự trả lời khi thời điểm công bố BCTC của các doanh nghiệp niêm yết sắp đến trong khi có quá nhiều vấn đề với BCTC năm 2016 và cả quý 1/2017 vừa qua.

Khi tôi hỏi rằng “Vấn đề chính trong scandal gian lận kế toán của Gỗ Trường Thành là gì?”, có lẽ, tất cả mọi người đều trả lời rằng “khai khống Hàng tồn kho”. Nhưng thực gốc của vấn đề trong tình huống Gỗ Trường Thành (TTF) lại không phải là Hàng tồn kho. Vậy vấn đề chính là gì? Đã phát sinh từ bao giờ? Đấy là những khúc mắc mà thị trường phải tự trả lời khi ngày càng phải đối mặt với những “gian lận” tài chính lớn trên thị trường chứng khoán phi lý trí.

Sau năm 2016, cả thị trường dường như đã nhận ra rằng nhà đầu tư chỉ bị “cháy tài khoản” khi có những gian lận tài chính bị phanh phui. Sự kiện Gỗ Trường Thành bị “tố” khai khống 1.000 tỷ hàng tồn kho không có thật và Cổ đông Tân Liên Phát quyết định không chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu vì lý do trên đã khiến giá cổ phiếu TTF tụt dốc không phanh. Rất nhiều nhà đầu tư đã “kẹp hàng” không thể cắt lỗ và đành chịu nhìn tài khoản của mình vơi đi hàng ngày mà không có cách gì xử lý được.

Nhà đầu tư cần làm gì?

“Lướt sóng” thì vẫn phải tránh được những cơn địa chấn có tâm chấn từ gian lận BCTC.

Vấn đề là làm thế nào có thể phát hiện được những tâm chấn này mà tránh?

Chỉ riêng quý 1/2017, xu thế mới về các “thủ thuật” bóp méo số liệu lợi nhuận và BCTC đã “tiến hoá” mạnh mẽ và được rất nhiều công ty áp dụng. Vậy xu thế đó là gì? Liệu BCTC quý 2/2017 có tiếp diễn. Đấy là những câu hỏi đang gây rất nhiều tranh cãi trên thị trường.

Thế còn ngân hàng thì sao?

Sự việc 7 ngân hàng tranh nhau một cái kho đã đi vào “truyền thuyết” ngành ngân hàng. Nhưng thực tế cho thấy việc yếu kém trong đánh giá BCTC khi cho vay của bộ phận thẩm định đã góp phần quan trọng vào tỷ lệ nợ xấu cao trong ngành ngân hàng như hiện nay. Các ngân hàng không hiểu tại sao toàn bộ hàng tồn kho trị giá gần 350 tỷ của NTACO (mã ATA) biến mất sau một đêm? Bởi lý do đơn giản là số hàng tồn kho này chưa bao giờ có thật như nó được ghi nhận trên BCTC cả.

Phương pháp phát hiện gian lận BCTC luôn là thách thức lớn đối với bất kỳ chuyên gia nào trong lĩnh vực phân tích tài chính, ngân hàng tín dụng, và kế toán, kiểm toán.

  • Làm thế nào để nhà đầu tư, chuyên gia phân tích tài chính có thể biết được rằng lợi nhuận công bố trên báo cáo kết quả kinh doanh là trung thực và bền vững? tài sản trên bảng cân đối kế toán là có thật và mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai?
  • Làm thế nào các chuyên gia tín dụng ngân hàng có thể hiểu thực sự tình hình tài chính và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thông qua BCTC? để ra quyết định tài trợ quan trọng.
  • Làm thế nào các kiểm toán viên có thể tiếp cận thật sâu BCTC để có thể ngăn ngừa và hạn chế rủi ro kiểm toán và đưa ra những ý kiến kiểm toán xác đáng?
  • Làm thế nào tất cả những dấu hiệu bất thường trên BCTC sẽ được phơi bày?
  • Làm thế nào những người thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát công ty có thể phát hiện và ngăn ngừa những gian lận của thuộc cấp trong BCTC?
    Những vấn đề đằng sau những con số (Behind the Numbers) trình bày trên BCTC cần được hiểu rõ và đánh giá tác động đến những câu trả lời cho các câu hỏi trên.

Chương trình đào tạo “Phương pháp phát hiện gian lận báo cáo tài chính” (Behind the Numbers) được thiết kế nhằm đáp ứng yêu cầu trả lời những câu hỏi nêu trên từ thị trường.

Nội dung chính của chương trình

  • Cấu trúc BCTC và một số nguyên tắc kế toán quan trọng
  • Các dạng ý kiến kiểm toán
  • Quản trị lợi nhuận và Gian lận trong báo cáo tài chính
  • Nguyên nhân và dấu hiệu của quản trị lợi nhuận và gian lận kế toán.
  • Phương pháp phát hiện lợi nhuận bị “phù phép” hoặc gian lận trong báo cáo tài chính
    Các thủ thuật gian lận trong báo cáo tài chính
  • Tất cả các nội dung được áp dụng với các BCTC doanh nghiệp thật trên thị trường

Điểm nhấn của chương trình

  • Học với chuyên gia hàng đầu Việt Nam về kiểm toán và phát hiện gian lận BCTC
  • Trên nền tảng các Case study và BCTC thực tế trên thị trường
  • Học và thực hành trong bối cảnh Việt Nam
  • Hiểu thực sự sâu về những vấn đề tiềm ẩn đằng sau các con số trên BCTC
  • Giải quyết những tình huống thường gặp nhất trong công việc
  • Chương trình đã được kiểm chứng với hơn 1000 học viên theo học

Ai nên theo học?

  • Nhà đầu tư tài chính
  • Chuyên viên phân tích tài chính, chứng khoán
  • Chuyên viên ngân hàng, tín dụng
  • Các kiểm toán viên
  • Chuyên viên quản trị rủi ro
  • Các nhà quản lý tài chính, kế toán công ty
  • Các kiểm soát viên, kiểm toán nội bộ và kiểm soát nội bộ

Nghị định 61 và câu hỏi ai sẽ hưởng lợi lớn nhất khi tham gia mua và xử lý nợ xấu?

HSC cho rằng một số ngân hàng có tài chính mạnh như VCB; ACB; MBB; TCB; VPB; VIB; HDBank và OCB có thể sẽ quan tâm đến việc mua nợ xấu thứ cấp; và những khoản nợ xấu được mua sẽ có thể đem lại lợi nhuận trong tương lai

Chính phủ mới ban hành Nghị định 61 quy định chi tiết việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn (từ 100 tỷ đồng trở lên). Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2017.

Theo đánh giá của CTCK TP.HCM (HSC), đây là thông tin tích cực cho quá trình xử lý nợ xấu. Nghị định mới chuyển biến quá trình bán nợ xấu trên thị trường thứ cấp. Trong đó quy định khung pháp lý rõ ràng tạo điều kiện cho VAMC xác định và thỏa thuận giá trị các khoản nợ xấu/tài sản đảm bảo dựa trên giá thị trường do một công ty thẩm định giá có chuyên môn xác định. Quan trọng là Nghị định cho VAMC quyền lựa chọn sau cùng khi lựa chọn công ty thẩm định giá và quyền giảm giá bán cho đến khi tìm được người mua. Từ đó loại bỏ được trở ngại lớn hiện nay khi các bên tham gia mua bán nợ không đồng thuận về các điều khoản và VAMC không thể làm gì vượt ngoài khuôn khổ; mở ra cơ hội cho các ngân hàng có tình hình tài chính mạnh muốn mua và xử lý các khoản nợ xấu.

Nghị định 61 có gì mới?

Nghị định 61 quy định 3 trường hợp phải thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu:

1. Khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt mà khi xác định giá khởi điểm để đấu giá, VAMC không thỏa thuận được với tổ chức tín dụng bán nợ về giá khởi điểm.

2. Khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá trị thị trường.

3. Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà khi xác định giá khởi điểm để đấu giá, VAMC không thỏa thuận được với bên bảo đảm về giá khởi điểm.

Nghị định 61 cũng quy định về quy trình lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá. Nói chung, doanh nghiệp thẩm định giá được lựa chọn phải thuộc danh sách công khai doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá của Bộ Tài chính. Trường hợp không thỏa thuận được với tổ chức tín dụng hoặc bên bảo đảm về việc lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá, VAMC sẽ thuê doanh nghiệp thẩm định. Sau khi doanh nghiệp thẩm định tiến hành thẩm định khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, VAMC sẽ quyết định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi bán đấu giá lần đầu theo nguyên tắc giá khởi điểm không thấp hơn giá trị khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo kết quả thẩm định giá.

Ngoài ra, VAMC được phép giảm giá khởi điểm trong trường hợp đấu giá không thành. Cụ thể, trường hợp bán đấu giá lần đầu khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu không thành, VAMC sẽ thỏa thuận lại với tổ chức tín dụng hoặc bên bảo đảm về việc giảm giá khởi điểm của khoản nợ xấu trong trường hợp tiếp tục bán đấu giá. Nếu không thỏa thuận được, VAMC sẽ quyết định giá khởi điểm của khoản nợ xấu. Theo nguyên tắc chung, mỗi lần giảm không quá 10% giá khởi điểm của lần đấu giá không thành liền trước đó.

Cho đến nay quá trình xử lý nợ xấu vẫn chậm

HSC chỉ ra những vướng mắc giữa VAMC và tổ chức tín dụng hoặc bên sở hữu tài sản đảm bảo về giá thị trường của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là một lý do quan trọng cản trở quá trình bán nợ xấu, tài sản bảo đảm.

Trên thực tế, quá trình bán nợ xấu, tài sản bảo đảm cho dến nay vẫn rất chậm. Kể từ khi VAMC thành lập vào cuối năm 2013 cho đến tháng 3/2017, trong số 282 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã mua, VAMC mới chỉ xử lý được 50 nghìn tỷ đồng qua thu hồi nợ, thu từ bán nợ và tài sản đảm bảo (bằng 17,8% tổng số nợ xấu mua về). VAMC đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xử lý được 150 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Thị trường mua bán nợ hiện sắp được thành lập và kỳ vọng hoạt động mua bán nợ sẽ sôi động hơn trong năm sau. Theo HSC, với Nghị định 61 trao nhiều quyền tự quyết hơn cho VAMC cũng như những quy định khác sắp được ban hành về việc bán lại nợ xấu và thành lập thị trường mua bán nợ thứ cấp, chúng tôi tin tưởng quá trình xử lý nợ xấu của VAMC sẽ được đẩy nhanh. Tuy nhiên, thị trường mua bán nợ có lẽ sẽ được thành lập về cuối năm nay nhưng sẽ cần có thời gian để thị trường này vận hành thực sự hiệu quả.

“Tốc độ xử lý nợ xấu sẽ phụ thuộc vào tốc độ trích lập dự phòng của bản thân các ngân hàng. Các ngân hàng sẽ không muốn ghi nhận giảm giá trị tài sản khi vẫn còn chênh lệch lớn giữa giá trị nợ xấu trên sổ sách (sau khi trừ đi phần dự phòng trích lập) và giá trị thị trường của nợ xấu. Bản thân VAMC có lẽ cũng chỉ muốn bán các khoản nợ xấu dễ bán trước (là các khoản nợ xấu dễ đạt được sự thống nhất giữa người vay và ngân hàng)”, báo cáo của HSC đánh giá.

Hưởng lợi lớn nhất sẽ là các TCTD trong nước có tài chính mạnh

Khi nhìn nhận thị trường mua bán nợ từ quan điểm của người mua tiềm năng, HSC cho rằng người hưởng lợi lớn nhất sẽ là các TCTD trong nước có tài chính mạnh.

Lý do là những tổ chức này có lợi thế nhất định khi tham gia mua và xử lý nợ xấu nhờ có mối quan hệ và biết rõ người vay, có thể tự thẩm định nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu nhờ hiểu rõ thị trường BĐS ở từng vùng. Hơn nữa, TCTD trong nước còn hiểu rõ hệ thống pháp luật và cách giành được quyền sở hữu TSBĐ thông qua tòa án.

Trong khi đó, các công ty mua bán nợ nước ngoài có thể xây dựng những mô hình thẩm định phức tạp, thì họ lại thiếu sự am hiểu về thị trường trong nước.

Tổ chức này cho rằng mấu chốt của việc mua nợ xấu là thẩm định chính xác giá trị khoản nợ xấu đó, bằng việc đánh giá cả rủi ro và giá trị thời gian liên quan đến việc hiện thực hóa giá trị của tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu. Trong khi các công ty mua bán nợ nước ngoài có thể xây dựng những mô hình thẩm định phức tạp, thì họ lại thiếu sự am hiểu về thị trường trong nước.

“Do vậy, chúng tôi cho rằng một số ngân hàng có tài chính mạnh như VCB; ACB; MBB; TCB; VPB; VIB; HDBank và OCB có thể sẽ quan tâm đến việc mua nợ xấu thứ cấp; và những khoản nợ xấu được mua sẽ có thể đem lại lợi nhuận trong tương lai”, HSC bình luận.

Trên thực tế sẽ còn có những pháp nhân trong nước khác cũng quan tâm đến việc mua nợ xấu, chẳng hạn như những chủ đầu tư BĐS có tiềm lực tài chính. Tuy nhiên, theo chuyên viên phân tích do cần có thời gian và chuyên môn khi xử lý nợ xấu, nên có lẽ những pháp nhân này chỉ quan tâm đến những trường hợp tài sản đảm bảo được bán riêng rẽ. Và chúng tôi cho rằng nhiều khả năng VAMC sẽ bán nợ xấu kèm tài sản đảm bảo mà không tách tài sản đảm bảo để bán riêng rẽ.

10 giải pháp trọng tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính- NSNN năm 2017

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ vừa có báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2016, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2017 gửi đến Quốc hội. Trong đó xác định 10 giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2017.

Toàn cảnh Quốc hội. Ảnh: VGP

Đảm bảo cân đối ngân sách những tháng đầu năm
Theo báo cáo của Chính phủ, qua công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2017 và kết quả thu, chi NSNN 4 tháng đầu năm 2017, hoạt động của nền kinh tế nói chung và NSNN nói riêng vẫn duy trì được sự tăng trưởng ổn định.
Về thu NSNN, thực hiện 4 tháng ước đạt 396,47 nghìn tỷ đồng, bằng 32,7% dự toán, tăng 17,8% so cùng kỳ năm 2016, trong đó: Thu nội địa đạt 325,9 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% dự toán, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016; không kể thu tiền sử dụng đất, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại và thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, thì thu nội địa 4 tháng đạt 33,4% dự toán, tăng 12,3% so cùng kỳ năm trước. Thu về dầu thô đạt 15,4 nghìn tỷ đồng, bằng 40,2% dự toán, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2016. Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu: Tổng số thu đạt 92 nghìn tỷ đồng, bằng 32,3% dự toán, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2016. Sau khi thực hiện hoàn thuế Giá trị gia tăng theo chế độ (37 nghìn tỷ đồng), thu cân đối NSNN 4 tháng đạt 55 nghìn tỷ đồng, bằng 30,6% dự toán, tăng 31,3% so cùng kỳ năm 2016.

Chi ngân sách 4 tháng ước đạt 393,38 nghìn tỷ đồng, bằng 28,3% dự toán, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 68,56 nghìn tỷ đồng, bằng 19,2% dự toán, tăng 20%; chi trả nợ lãi đạt 36,7 nghìn tỷ đồng, bằng 37,1% dự toán, tăng 10%; chi thường xuyên đạt 287,35 nghìn tỷ đồng, bằng 32,1% dự toán, tăng 7,4% so cùng kỳ năm 2016.
Chính phủ nhận định, các nhiệm vụ chi ngân sách được đảm bảo theo đúng dự toán và tiến độ triển khai thực hiện của các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Đến hết tháng 4/2017 đã thực hiện phát hành 81,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách và trả nợ gốc tiền vay của NSNN theo dự toán.
Kiên định chính sách tài khóa chặt chẽ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, báo cáo của Chính phủ cũng tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, tác động bất lợi đến việc thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2017.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiễn Dũng trình bày báo cáo tại Quốc hội

Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và NSNN năm 2017 đã được Quốc hội quyết định, đòi hỏi nỗ lực phấn đấu rất lớn của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương trong việc tập trung triển khai các giải pháp đã được Quốc hội, Chính phủ quyết định; đặc biệt là các giải pháp theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2017.

Trong lĩnh vực tài chính – NSNN, Chính phủ nhận định cần triển khai thực hiện tốt 9 nhóm với 26 giải pháp đã trình Quốc hội, điều hành dự toán NSNN năm 2017 tích cực, chủ động, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí ngân sách; quản lý chặt chẽ, đảm bảo an ninh tài chính và an toàn nợ công; tăng cường quản lý giá cả, thị trường; phát triển đồng bộ các thị trường tài chính, đơn vị sự nghiệp công… Trong đó, cần tập trung tổ chức thực hiện các nhóm giải pháp quan trọng chủ yếu sau:

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa công tác quản lý tài chính, nhất là trong các lĩnh vực quản lý thuế, hải quan, Kho bạc Nhà nước, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TW của Trung ương, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phấn đấu đạt được mục tiêu môi trường kinh doanh bằng mức trung bình ASEAN-4.

Thứ hai, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất – kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.

Thứ ba, tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2017; hạn chế tối đa việc đề xuất, ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách; quyết tâm thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định.
Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan để nắm chắc nguồn thu, chủ động đề ra các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt, liên tục, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 được giao trên địa bàn và tăng 14 – 16% so với số thực hiện thu năm 2016; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt dự toán và tăng 5 – 7% so với thực hiện thu năm 2016. Quyết liệt chống thất thu, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; Tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế…

Thứ tư, tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định; nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo.
Chính phủ xác định tiết kiệm triệt để các khoản chi NSNN. Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; giảm tối đa và công khai các khoản chi hội nghị, hội thảo; hạn chế mua sắm ô tô công và trang thiết bị đắt tiền; mở rộng thực hiện khoán xe ô tô công đảm bảo hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm…

Thứ năm, tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của chính quyền địa phương, bố trí nguồn trả nợ đầy đủ, đúng hạn.
Chủ động trong công tác quản lý nợ công, nợ Chính phủ và nợ chính quyền địa phương, đảm bảo an toàn nợ. Kiểm soát chặt chẽ các khoản vay, hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát NSNN; thực hiện đánh giá đầy đủ các tác động lên nợ công, nợ chính quyền địa phương và khả năng trả nợ trong trung hạn của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, trước khi thực hiện các khoản vay mới.

Thứ sáu, tăng cường và đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra thị trường.

Thứ bảy, đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công, giá dịch vụ công. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế hoạt động tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực gắn với thúc đẩy lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công đã đề ra.

Thứ tám, đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo lộ trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ chín, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thứ mười, ngoài các giải pháp nêu trên, Chính phủ trình Quốc hội cho phép xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành

NSNN năm 2016 và 2017 như: Cho phép bổ sung dự toán và quyết toán NSNN năm 2016 theo quy định đối với số vốn đầu tư từ nguồn xử lý sắp xếp lại nhà đất phát sinh từ các năm trước của Bộ Quốc phòng (470,9 tỷ đồng) và Bảo hiểm xã hội Việt Nam (1,9 tỷ đồng) đã ghi thu ghi chi NSNN năm 2016 theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Đối với các khoản vay ODA thuộc kế hoạch năm 2016 phải kéo dài giải ngân sang năm 2017 theo cam kết với Nhà tài trợ, kiến nghị cho phép tổng hợp vào dự toán chi đầu tư phát triển năm 2017; Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội theo quy định…

Bộ Tài chính tiếp tục giữ vị trí thứ 2 về cải cách hành chính

Bộ Nội vụ đã chính thức có kết quả Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2016 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Bộ Tài chính xếp thứ hai với Chỉ số cải cách hành chính đạt được 87,27%.

Kết quả Chỉ số CCHC năm 2016 của các bộ chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80% gồm 9 bộ: Ngân hàng Nhà nước dẫn đầu bảng với chỉ số là 92,68%; Bộ Tài chính xếp thứ hai với 87,27%; Bộ Khoa học và công nghệ xếp thứ ba với 86,54%; Bộ Giao thông vận tải 84,48%; Bộ Thông tin và truyền thông 84,02%; , Bộ Tư pháp 82,90%; Bộ Văn hóa thể thao và du lịch 81,57%; Bộ Ngoại giao 80,85%; và Bộ Kế hoạch và đầu tư 80,59%.

Nhóm thứ 2 đạt kết quả Chỉ số CCHC từ trên 70% đến dưới 80%, gồm 10 bộ: Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ Tài nguyên và môi trường, Ủy ban Dân tộc, Thanh tra Chính phủ, Bộ Lao động thương binh và xã hội.

Riêng với Bộ Tài chính, bên cạnh việc duy trì được vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng chung, cơ quan này còn vươn từ vị trí thứ 3 lên vị trí thứ 2 trong bảng điều tra xã hội học về công tác cải cách hành chính. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng.

Sau khi Bộ Nội vụ công bố Chỉ số CCHC, Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính đang chủ trì đánh giá lại các điểm số đã đạt được, các điểm số bị trừ, nguyên nhân chủ quan, khách quan và kiến nghị các giải pháp để hạn chế việc bị trừ điểm cũng như giữ vững, tăng chỉ số trong năm tiếp theo.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, trong nhóm các địa phương, Chỉ số CCHC năm 2016 có giá trị trung bình đạt 74,64%; trong đó có 30/63 đơn vị đạt kết quả trên giá trị trung bình.

Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu với kết quả 90,32% và cũng là địa phương duy nhất đạt chỉ số trên 90%. Điều đó minh chứng hiệu quả của những mô hình cải cách hay, các giải pháp mới được thí điểm áp dụng tại Đà Nẵng trong thời gian qua. Xếp sau Đà Nẵng là Hải Phòng với 87,24%; Hà Nội 85,23%; Đồng Nai 85,12%.

Theo Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc triển khai công tác tự đánh giá, chấm điểm, kịp thời gửi kết quả về Bộ. Công tác điều tra xã hội học để lấy ý kiến đánh giá của các nhóm đối tượng khác nhau về kết quả CCHC của các bộ, ngành, địa phương phục vụ cho tính toán Chỉ số CCHC được tổ chức chặt chẽ, hệ thống.
Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ, địa phương chưa thực sự quan tâm đến triển khai các nội dung CCHC. Do vậy, chưa quan tâm chỉ đạo kịp thời để chấn chỉnh, cải thiện những điểm còn hạn chế, yếu kém được chỉ ra trong Chỉ số CCHC hằng năm.